image banner
ĐẢNG ỦY - HĐND - ỦY BAN NHÂN DÂN - UBMTTQ - CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI XÃ TÀO SƠN

ĐẢNG ỦY - HĐND - ỦY BAN NHÂN DÂN - UBMTTQ - CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI XÃ TÀO SƠN

Thôn 3, xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An

Điện thoại: 0388.725.524; Email: taosonanhson@gmail.com

I. CƠ CẤU TỔ CHỨC:

Đảng bộ xã Tào Sơn có 15 chi bộ với 200 đảng viên, trong đó 12 chi bộ nông thôn, 3 chi bộ trường học, năm 2013 Đảng bộ đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh. Toàn Đảng bộ quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010 - 2015; phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015.

Chính quyền nhân dân (HĐND và UBND xã) có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quản lý nhà nước; Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị (Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Công đoàn), các tổ chức xã hội có nhiều chuyển biến tích cực trong phối hợp, đoàn kết thống nhất hành động. Tất cả trở thành một khối thống nhất xuyên suốt và có quyết tâm cao tạo thành sức mạnh tổng thể của hệ thống chính trị.

II. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH CHUNG:

1. Về điều kiện tự nhiên:

a) Vị trí địa lý

Xã Tào Sơn được hình thành và phát triển là kết quả của quá trình vận hành của bánh xe lịch sử, là một xã miền núi nằm về phía Tả ngạn Sông Lam cách trung tâm huyện Anh Sơn khoảng 20 km về phía đông

Anh-tin-bai

Hình 1: Bản đồ khái quát huyện Anh Sơn

Có đường địa giới chung với các xã:

- Phía Đông giáp với xã Ngọc Sơn, Lam Sơn huyện Đô Lương;

- Phía Tây giáp với xã Lạng Sơn huyện Anh Sơn;

- Phía Bắc giáp xã Nghĩa Hành huyện Tân Kỳ và xã Giang Sơn Tây của huyện Đô Lương;

- Phía Nam trải dài theo dọc sông Lam khoảng 1,9 km.

Tổng diện tích đất tự nhiên là: 2.027,68 ha; Trong đó đất Nông nghiệp 1.704,48 ha. Trong đó:

+ Đất sản xuất Nông nghiệp 665,91 ha;

+ Đất Lâm nghiệp: 1030,54

+ Đất nuôi trồng thuỷ sản: 8,03 ha.

- Đất phi nông nghiệp : 301,49 ha trong đó:

+ Đất ở: 31,34 ha;

+ Đất chuyên dùng: 170,21 ha;

+ Đất QH nghĩa địa: 24 ha;

+ Đất sông suối và mặt nước chuyên dùng: 75,21 ha.

- Đất chưa sử dụng: 24,53 ha trong đó:

+ Đất bằng chưa sử dụng: 15,39 ha;

+ Đất đồi núi chưa sử dụng: 9,14 ha;

Toàn xã có 1.328 hộ với 4.902 nhân khẩu, địa bàn dân cư được phân bổ đều thành 12 thôn, đời sống nhân dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp.

b) Về địa hình

Địa hình dạng đồi núi, thung lũng vừa và thấp xen trung du đồng bằng

Dạng đồi núi: Địa hình dạng này liên kết thành vòng tròn bao quanh ôm bọc toàn xã theo kiểu lòng chảo và cửa ngõ; Bắt đầu từ Cồn Trệt (cột mốc số 24 Giáp ranh xã Ngọc Sơn huyện Đô Lương kéo vòng về phía bắc lên phía tây quay lại phía nam là đỉnh Cồn Trình tạo thành vòng khép).

Dạng đồng bằng: Địa hình dạng này chủ yếu là trung tâm của lòng chảo và các thung lũng cùng với diện tích bãi bồi dọc Tả ngạn Sông Lam.

c) Về thổ nhưỡng

Địa bàn xã Tào Sơn về thổ nhưỡng được phân ra hai nhóm như sau:

Đất phù sa không được bồi đắp thường xuyên loại đất này có thành phần chủ yếu là mềm thịt nhẹ đến trung bình, thích hợp cho việc trồng lúa nước và một số cây trồng hàng năm khác phân bố đều trên các cánh đồng bằng, thung lũng và dọc sông Lam của xã.

Đất feralit phát triển trên phiến sét có khoảng 1.119,40 ha chủ yếu là đất Feralit đỏ vàng, phát triển trên đá thạch sét và đá biến chất, tầng đất trung bình. Vùng đất này thuận lợi cho việc phát triển cho trồng cây lâm nghiệp như: keo, mỳ, cây lấy gỗ.

d) Về khí hậu, thủy văn

Tào Sơn có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, mang đặc trưng của khí hậu miền Tây Nghệ An. Có hai mùa rõ rệt, về mùa Hè nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao và kèm theo mưa, sấm sét, lốc xoáy, gió nam Lào thổi mạnh làm ảnh hưởng đến thời vụ và năng suất sản lượng trong sản xuất nông nghiệp cũng như các hoạt động khác. Về mùa đông thì nhiệt độ xuống thấp kèm theo mưa dầm nên ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng vật nuôi.

Thủy văn: Là xã vùng núi, nguồn nước dồi dào, hệ thống sông suối hồ đập phân bố dày đặc trong đó có thể kể đến Sông Lam, các khe suối như: khe Vang, khe Trúc, khe Mỳ, khe Cấy, khe Sú...và nhiều hồ đập nhỏ: Đập Bạc, đập Cấm, đập Cạn, đập Nát, đập Khe cầu, đập Sơn trà... Đặc biệt có 2 con đập lớn là Đập Khe chung một trong số công trình lớn nhất của huyện được xây dựng năm 1967, sau 2 năm đội cơ giới thủy lợi Nghệ An đưa ô tô, máy ủi, máy xúc, máy san đầm; cùng hàng ngàn ngày công lao động của thanh niên, nhân dân các xã trong huyện Anh Sơn góp sức làm nên công trình Đập Khe Chung; còn đập Cây Hồng được khởi công xây dựng năm 2010 với nguồn kinh phí cấp trên là 5,730 tỷ đồng, hiện nay công trình xây dựng xong và đưa vào sử dụng. Hai con đập này cung cấp cơ bản nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và các sinh hoạt dân sinh khác.

2. Về tình hình kinh tế - xã hội

Tình hình Kinh tế - Xã hội có nhiều khởi sắc, nhịp độ phát triển năm sau cao hơn năm trước; lĩnh vực Văn hoá - Xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 là 17 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng gim, năm 2013 là 14%. Xã đạt 9/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới.

Đời sống nhân dân Tào Sơn chủ yếu là sản xuất Nông nghiệp, cây trồng chính là Lúa nước, ngô, khoai, sắn... nhưng hơn 10 năm trở lại đây nhờ khoa học, kỹ thuật ngày càng phát triển, nhận thức tư duy của cán bộ và nhân dân ngày càng càng tiến bộ và đổi mới, tổ chức xây dựng phát triển kinh tế có trọng tâm trọng điểm như thực hiện chuyển đổi ruộng đất ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn, quy hoạch giao thông thủy lợi nội đồng, phát triển mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lúa..; mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, mùa vụ, đưa giống mới, cây trồng mới có năng suất cao vào sản xuất, trồng tăng vụ trên đơn vị diện tích như: Lúa, Ngô, Dưa leo, Bầu, Bí...ngoài ra các hộ còn phát triển thêm kinh tế đồi rừng như trồng cây nguyên liệu kết hợp phát triển chăn nuôi như Trâu, Bò, Lợn, Cá, Gia cầm..; sản xuất mô hình dịch vụ vừa và nhỏ như mô hình gạch nung, gạch bê tông, mộc dân dụng, hàn xì, kinh doanh buôn bán... Từ đó đời sống của nhân dân ngày càng khấm khá, xóa được hộ đói, giảm hộ nghèo, thiết chế cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển và từng bước hoàn thiện, nhờ được sự quan tâm nhà nước cấp trên bằng các dự án đầu tư và huy động đóng góp của nhân dân theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm, do đó đường giao thông nông thôn được mở mang nhựa và bê tông hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong sản xuất và sinh hoạt. Toàn xã đã làm được hơn 3,3 km đường nhựa, 13km đường bê tông chuẩn loại A, xã có Trạm bơm điện, hai đập phục vụ nước tưới kiên cố (Đập khe chung, Đập cây Hồng), 6,55 km kênh mương kiên cố, 29 phòng học kiên cố hóa, có 4 trạm biến áp, nhà bia ghi tên liệt sỹ khang trang, xã chuẩn quốc gia y tế, Bưu điện văn hóa xã, nhà văn hóa đa chức năng, 11/12 thôn có nhà văn hóa sinh hoạt, các Di tích lịch sử văn hóa hóa được bảo tồn và phát huy tốt, Đài Truyền thanh cơ sở xã hoạt động phát huy hiệu quả, Trụ sở làm việc 2 tầng với thiết chế và nội thất làm việc khá đầy đủ, nhà Truyền thống, chợ nông thôn được đầu tư xây dựng mới...tất cả đều đạt chuẩn… Trong đó do làm tốt công tác quy chế dân chủ cơ sở nên đã huy động nhân dân đóng góp hàng tỷ đồng và huy động được hàng nghìn ngày công lao động công ích phúc lợi xã hội.

Anh-tin-bai 

Hình 2: Đình Hữu Lệ ở thôn 3 xã Tào Sơn được biết đến là một trong những ngôi đình cổ nhất ở huyện Anh Sơn

Văn hóa - Xã hội phát triển mạnh mẽ, 9/12 thôn được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”; 3/3 đơn vị trường học được công nhận “Đơn vị văn hóa” ; trong đó có 3 thôn được công nhận “Làng văn hóa” cấp tỉnh. Tỷ lệ Gia đình văn hóa hàng năm đạt 75%. mỗi thôn có hương ước phù hợp điều kiện thôn mình; Chất lượng giáo dục, y tế được nâng lên rõ rệt, hoàn thiện phổ cập Tiểu học, Trung học cơ sở, Trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ một, xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế; Công tác Dân số KHHGĐ ngày càng đ­ược quan tâm và có bước chuyển biến tích cực; môi trường được cải thiện, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh trên 85%; Công tác chính sách xã hội và người có công được thực hiện kịp thời đảm bảo đúng nguyên tắc; Phong trào đền ơn đáp nghĩa và các hoạt động nhân đạo từ thiện được nhân dân hưởng ứng tích cực.

Quốc phòng an ninh: An ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, trong nhiều năm qua công tác quốc phòng, an ninh luôn được đánh giá cao là địa bàn sạch về các tệ nạn xã hội.

3. Lịch sử phát triển:

Xã Tào Sơn được hình thành và phát triển theo từng giai đoạn và thời kỳ lịch sử gắn với nhiều sự kiện khác nhau, xác định niên đại định cư cho thấy một số dòng họ đến đất Tào Sơn khai dân lập ấp xây dựng thôn làng kể từ năm Cảnh Hưng 1702 họ Đào ở Lam Sơn huyện Đô Lương chuyển đến và năm 1919 họ Nguyễn Viết ở Nam Đàn cũng chuyển đến định cư lập nghiệp và một số dòng họ lớn khác như Họ Hoàng, Họ Đinh, họ Ngô... đất lành chim đậu, mảnh đất Tào Sơn có núi sông, có ruộng đồng màu mỡ nên sớm hội tụ người dân và sớm hình thành làng xã, từ đó đến nay trong xã có tới trên 22 dòng họ khác nhau cùng sống chung trên địa bàn đó là cơ sở hình thành khối đại đoàn kêt cộng đồng dân cư, từ khi hình thành đến nay lịch sử xã Tào Sơn có khoảng trên 300 năm xây dựng và phát triển. Vào khoảng thế kỷ XVI xã Tào Sơn mới chỉ có 3 làng: Làng Cẩm Hương, làng Hữu Lệ và làng Tào Điền và khoảng năm 1890 xã được gọi là xã Tào Điền, sau cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, tình hình cách mạng phát triển và cấp trên có chủ trương nhập các xã nhỏ thành xã lớn do vậy cụm 4 xã Cao - Tào - Lĩnh - Lạng được nhập thành một xã lớn lấy tên là xã Lạng Điền. Đến năm 1954 Đảng và Nhà nước lại có chủ trương chia tách xã lớn thành các xã nhỏ, xã Lạng Điền lại được chia thành 4 xã nhỏ gồm: Cao - Tào - Lĩnh - Lạng, từ đó xã Tào Sơn được thành lập. Xã Tào Sơn lúc bấy giờ có 2 làng: Làng Tào Điền (gọi là Làng Mỹ Tiến) và Làng Hữu Lệ (gọi là Làng Nguyễn Thường), gắn liền với làng là Đình làng nơi hội họp, sinh hoạt và tổ chức các hoạt động của Làng, do đó làng Tào Điền có Đình Tào Điền, Làng Hữu Lệ có Đình Hữu Lệ; xã Tào Sơn vào thời điểm trước tháng 3 năm 1947 đến tháng 12 năm 1953 có tên gọi là Tào Điền, dưới xã có 3 làng Làng Tào Thôn, làng Hữu Lệ, làng Cẩm Hương; Từ tháng 1 năm 1954 (sau khi tách khỏi xã lớn Lãng Điền) đến tháng 9 năm 1959 dưới xã có làng, dưới làng có 11 xóm: Xóm Bàng, xóm Trước, xóm Sau, xóm Cẩm Hương, xóm Hương Sơn, xóm Xuân Thủy, xóm Đông, xóm Nam, xóm Đình, xóm Giếng, xóm Trên. Từ tháng 4 năm 1959 đến tháng 4 năm 1965 xã Tào Sơn chỉ còn 2 làng: Làng Tào Thôn, Làng Hữu Lệ ( Không còn Làng Cẩm Hương) và 7 xóm, một Hợp tác xã: Xóm Bàng, xóm Giếng, xóm Nam, xóm Đông, xóm Đình, xóm Trên, xóm Xuân Thủy và Hợp tác xã Tào phong (xóm ngoài và xóm trước); Đến tháng 5 năm 1965 xã Tào Sơn dưới xã gồm có 1 xóm và 5 hợp tác xã: Xóm Xuân Thủy (Giữ nguyên như cũ) và các hợp tác xã Tào Phong, Quyết Tiến, Quyết Thắng, Hồng Thắng, Tiền phong cùng với 24 hộ gia đình người Cao Sơn sang định cư và sinh sống; Từ tháng 5 năm 1966 đến tháng 12 năm 1969 có 4 hợp tác xã: Tào Phong, Tiền Phong, Quyết Tiến, Xuân Thủy; Từ tháng 1 năm 1970 đến tháng 10 năm 1975 xã chỉ còn hợp tác xã lớn quy mô là Hợp tác xã Tào Sơn; từ tháng 11 năm 1975 đến năm 1991 xã Tào Sơn vẫn giữ nguyên hợp tác xã Tào Sơn và thêm một số bộ phận người dân xã Tào Sơn chuyển lên định cư sinh sống theo Quyết định số 154 của tỉnh. Sau đó trải qua thời gian lịch sử, tên gọi có sự thay đổi từ xóm sang đội từ đội lại đổi sang xóm, xóm lớn trước năm 2000 gồm 7 xóm theo thứ tự từ 1 đến 7 (xóm 1 gồm thôn 1 và thôn 2 ngày nay; xóm 2 gồm thôn 3 và thôn 4 ngày nay; xóm 3 gồm thôn 5 và thôn 6 ngày nay; xóm 4 là thôn 7 ngày nay; xóm 5 gồm thôn 8 và thôn 9 ngày nay; xóm 6 gồm thôn 11 và thôn 12 ngày nay; xóm 7 là thôn 10 ngày nay. Đến năm 2000 xã tách thành 9 xóm trên cơ sở chia 2 xóm lớn là xóm 5 lớn chia làm xóm 5 và xóm 6; xóm 6 lớn chia thành 2 xóm nhỏ là xóm 8 và xóm 9 các xóm còn lại giữ nguyên; Đến 2006 xã chia thành 12 xóm trên cơ sở chia 3 xóm lớn là xóm 1 tách ra thành xóm 1 và xóm 10; xóm 2 tách ra làm xóm 2 và xóm 11, xóm 3 tách ra làm xóm 3 và xóm 12, các xóm khác vẫn giữ nguyên. Đến năm 2012 UBND xã quyết định đổi tên xóm sang tên gọi bằng thôn và sắp xếp theo thứ tự xóm 10 là thôn 1, xóm 1 là thôn 2, xóm 2 là thôn 3, xóm 11 là thôn 4, xóm 3 là thôn 5, xóm 12 là thôn 6, xóm 4 là thôn 7, xóm 5 là thôn 8, xóm 6 là thôn 9, xóm 7 là thôn 10, xóm 8 là thôn 11, xóm 9 là thôn 12 và toàn xã chia làm 12 thôn là tên gọi ngày nay. Về các tên gọi địa danh đều gắn liền với tên gọi từng vùng khác nhau trên địa bàn cụ thể như tên gọi các cánh đồng cũng đa dạng phong phú: Đồng nghẹn, Đồng nu, Đồng bằng, Đồng rẫy, Đồng nương, Đồng bàu, Đồng xâm, Cháy, Ràng ràng...Văn hóa làng xã Tào Sơn được bồi đắp bởi lịch sử truyền thống lầu đời, hiện nay vẫn còn nguyên giá trị thể hiện rõ trên cơ sở các vật chứng thiêng liêng như Đình Hữu Lệ, đình Tào Điền, Đền cả, Đền thờ Hoàng Tá Thốn, Nhà Thờ họ Hoàng và họ Đinh tộc là những di tích tiêu biểu. Ngay từ thời kỳ lịch sử dân tộc với chế độ Hoàng triều xã Tào Điền (Tào Sơn ngày nay) đã được phong tặng nhiều thành tích cho dân, cho làng với 16 sắc phong của các đời vua: Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Minh Mạng, Duy Tân, Khải Định cho thôn Hữu Lệ và xã Tào Điên ngày xưa, đây là minh chứng nổi bật nhất của lịch sử văn hóa địa phương vẫn còn lưu giữ được.

4. Truyền thống cách mạng:

Ngay từ thời kỳ tiền khởi nghĩa xã Tào Sơn đã có nhiều bậc tiền bối tham gia hoạt động cách mạng. Ngày 7/9/1930 Chi bộ Lương Điền của xã là Tào Điền (Tào Sơn ngày nay) và Lạng Sơn được thành lập gồm 7 đồng chí, trong đó có đồng chí Hoàng Văn Bật người xã Tào Điền làm Bí thư; tháng 11 năm 1940 đến tháng 12 năm 1944 hình thành Chi bộ Thủy riêng của xã Tào Điền được thành lập gồm 7 Đảng viên do đồng chí Nguyễn Văn Tưởn (từ 11/1940 đến 2/1941) và đồng chí Đào Văn Ba ( từ 3/1942 đến 12/1944) làm Bí thư; tháng 1 năm 1945 đến tháng 3 năm 1947 đổi tên là Chi bộ Hưng Nguyên; từ tháng 4 năm 1947 đến tháng 12 năm 1953 đổi tên thành chi bộ Hồng Lĩnh và từ tháng 1 năm 1954 Đảng bộ xã Tào Sơn chính thức được hình thành và phát triển lãnh đạo sự nghiệp cách mạng.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; cùng với nhân dân cả nước, nhân dân xã Tào Sơn đã hưởng ứng nhiệt tình và tham gia đầy đủ các phong trào góp phần vào chiến thắng thực dân và đề quốc. Với hàng ngàn thanh niên lên đường nhập ngũ, thực hiện vai trò hậu phương tiền tuyến hàng trăm thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ chiến trường. Ở hậu phương nhân dân tích cực tăng gia sản xuất và tham gia đầy đủ các chủ trương, phong trào phát động của cấp trên trong 2 cuộc kháng chiến, xã có 91 liệt sỹ hy sinh vì đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, 174 thương binh, bệnh binh. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vào tháng 4/1965 dân quân và nhân dân xã Tào Sơn đã lập công lớn bắt sống giặc lái máy bay Mỹ, với thành tích này được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng 3. Đó là thành tích đáng ghi nhận và rất đối tự hào của Đảng bộ và nhân dân.

Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đất nước đổi mới, mở cửa hội nhập chung sức cán bộ và nhân dân xã Tào Sơn đoàn kết thống nhất trên dưới một lòng, thi đua sản xuất phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa xã hội.

5. Tiềm năng lợi thế:

Trong những năm gần đây Đảng bộ và nhân dân Tào Sơn đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh tương xứng với tiềm năng lợi thế của địa phương: Trước hết hệ thống chính trị đoàn kết thống nhất và ngày càng được chuẩn hóa về chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu đổi mới quê hương.

Tào Sơn có diện tích đất tự nhiên khá lớn, có tiềm năng kinh tế cao như đất trồng lúa, trồng màu, đất Lâm nghiệp phát triển cây nguyên liệu giấy, cây lấy gỗ.

 

BẢN ĐỒ XÃ TÀO SƠN - HUYỆN ANH SƠN
image
Lịch làm việc
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ TÀO SƠN

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Trần Hải Thành - PBT Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã

Trụ sở: Thôn 3, Xã Tào Sơn - Huyện Anh Sơn - Tỉnh Nghệ An

Điện thoại: 0941173633 ; Email: taosonanhson@gmail.com